Đi về miền tây mùa nước nổi

Dưới bóng cây còng là cảnh bình yên đến nao lòng của nhà sơ khi khất thực trong nắng sớm, dưới bóng hàng cây thốt nốt là cả nền di sản văn hóa kiến trúc của đồng bào Khmer, Chăm hiện rõ trong từng khung cửi, mái chùa.

Mùa nước nổi, mùa buồn, mùa vui của người miền Tây – mảnh đất vốn chẳng có những núi non hùng vĩ như xứ khác, họ chỉ có tấm lòng hào sảng, phóng khoáng khi chắt lọc những gì của con nước làm nên giá trị văn hóa của cả một vùng đất. Từng căn nhà giữa mênh mông nước, từng con thuyền nhỏ đang buông chài dưới ánh hoàng hôn cứ dần vụt qua ô cửa của chiếc xe trong chuyến hành trình kết nối những di sản của miền Tây sông nước.

Chúng tôi ngược dòng con nước lũ về Tháp Mười để đắm mình trong hương sen bát ngát, rồi vội vã cho kịp phà Tân Châu tới mảnh đất đầu ngồn con nước An Giang – Đồng Tháp; về Châu Đốc giữa mênh mông đồng lúa đang thì con gái, ghé Tri Tôn, Tịnh Biên để lặng yên dưới bóng cây thốt nốt và khản giọng trong những giây phút cổ vũ đua bò chùa Rô; rồi kham phục cái cách mà những người phụ nữ Khmer dệt nên những tấm vải hay những ánh mắt sâu hun hút của thiếu nữ Chăm ở Đa Phước.

Làng Chăm Đa Phước

Làng Chăm Đa Phước đẹp nhất vào mùa nước nổi, nước cuồn cuộn từ bên kia biên giới đổ về, đâu đâu cũng mênh mang nước. Những ngôi nhà đều được xây dựng kiểu nhà sàn, kết nối với nhau bằng những cầu gỗ ngoằn ngoèo, thỏa sức cho những kiểu ảnh chụp chân dung giữa miền sông nước.

Những ngôi chùa và cây thốt nốt

Chùa và cây thốt nốt đều gắn bó với cuộc sống của người Khmer. Chùa được xem là biểu tượng văn hóa vật chất, tinh thần của đồng bào tạo nên những di sản kiến trúc ở mảnh đất Cửu Long.. Chùa không chỉ là nơi sinh hoạt tín ngưỡng mà còn là nơi lưu giữ các tác phẩm điêu khắc, mỹ thuật của các nghệ nhân dân gian Khmer và truyền bá những giá trị nhân văn trong cuộc sống. Còn thốt nốt, đây là loài cây cho ra những món đặc sản độc đáo, cũng như cảnh sắc tuyệt đẹp mỗi độ hoàng hôn, bình minh giữa cánh đồng nước nổi.

Thông tin khách hàng